Song điều mà dư luận đặc biệt quan tâm,ầmnhìnquyhoạgóc bẹt lo ngại khi dự án có gần 4 ha thuộc vùng bảo vệ 2, Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Diện tích này đã được thẩm định kỹ hay chưa, có tác động như thế nào tới di sản và có đúng với quy định của pháp luật hay không? Toàn bộ phạm vi dự án ảnh hưởng như thế nào tới vấn đề môi trường, hệ sinh thái biển của Quảng Ninh?
Trước đó, Dự án sân golf Cồn Vành tại Thái Bình liên quan Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải vấp phải nhiều ý kiến phản đối do chưa đúng quy định pháp luật, trái với các công ước quốc tế về môi trường. Hay tại Đà Lạt, nhiều công trình bê tông hóa, nhà kính xây dựng bị cho là tác động xấu đến cảnh quan, môi trường tự nhiên, mà gần đây nhất là dự án công trình khách sạn ngay trong không gian Đồi Cù, án ngữ tầm nhìn hướng núi Langbiang. Hậu quả ai cũng nhìn thấy khi tình trạng ô nhiễm môi trường biển, sạt lở, ngập lụt diễn ra ngày một nhiều và nghiêm trọng.
Rõ ràng, sự phát triển ồ ạt dự án bất động sản tại các địa phương, cho phép chủ đầu tư xây dựng các công trình sát biển hay xu hướng tư nhân hóa bãi biển, đặc biệt, những công trình cao tầng như khách sạn, condotel, trung tâm thương mại… đang tiềm ẩn nguy cơ rất lớn đối với tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng không chỉ riêng dự án tại Quảng Ninh cần kiểm tra theo phản ánh của báo chí, việc tổng rà soát, tăng cường công tác quản lý các dự án, bảo vệ tài nguyên và môi trường, đất đai ven biển, khu vực rừng phòng hộ… cũng cần phải được làm ngay và thật chặt chẽ. Các cơ quan chức năng cũng cần tiến hành kiểm tra, đánh giá sự phù hợp của các dự án đầu tư tại những khu vực "nhạy cảm" với quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt.
VN là quốc gia giàu tài nguyên với rừng vàng, biển bạc. Chiến lược phát triển kinh tế biển là chiến lược quan trọng được thể hiện trong nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Các địa phương, doanh nghiệp hoàn toàn có thể phát triển các đô thị ven biển. Tuy nhiên, tất cả các chủ trương của Nhà nước đều yêu cầu phải phát triển bền vững dựa trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái.
Tại nhiều quốc gia phát triển, người dân muốn chặt một cái cây để xây nhà, chính quyền sẽ phải kiểm tra, xem xét tuổi thọ của cây trước khi cấp phép. Với các dự án liên quan tới rừng và biển đều được phê duyệt vô cùng khắt khe, trong đó đánh giá tác động môi trường lên hàng đầu. Điều đó cho thấy, để phát triển một cách bền vững và có bản sắc, các đô thị cần có một chiến lược, định hướng phát triển cụ thể, với cách quản lý chặt chẽ, đồng bộ. Ngược đãi thiên nhiên, thiếu đi tầm nhìn trong quy hoạch, phát triển bằng mọi giá mà hy sinh các giá trị bản sắc sinh thái, môi trường thì chắc chắn chúng ta sẽ phải hứng chịu những hệ lụy khó lường.